Thiền và Kiếm Mối tương quan mật thiết

Posted at  tháng 11 14, 2019  |  in  Kiến-thức-võ-thuật

"Thiền" tiếng phạm gọi là "Dhyana", nghĩa đen là định niệm. Ngoài ra "thiền" còn được hiểu như "phương pháp tu dưỡng" ở Nhật Bản nói riêng và đông phương nói chung. Nói đến thiền chúng ta thường hình dung cảnh tham thiền nhập định, ngồi kiết già, điều tức quay mặt vào tường trong thiền viện, hoặc liên tưởng đến trạng thái thoát tục, thanh thoát nhẹ nhàng như nước chảy hoa nở, mây bay, trăng soi, một trạng thái thần tiên hòa nhịp với thiên nhiên cỏ cây như qua mấy vần thơ sau:

Tâm như minh kính
Hoa lai kiến hoa
Nguyệt lai kiến nguyệt

Dịch:

Tâm như gương sáng
Hoa đến ngắm hoa
Trăng đến xem trăng

Vì thế Thiền được hiểu là trạng thái hòa hợp tuyệt diệu giữa con người và vạn vật. Khi tâm định và trong sáng như gương thì người tu thiền quán tưởng sự vật xung quanh một cách tự nhiên giống như ngắm hoa nở, nhìn trăng soi trên mặt nước hồ thu. Con tim thiền giả hòa nhịp với dòng sống vũ trụ để cùng thưởng thức cái đẹp của thiên nhiên.



Thực tại hay hình tướng sự vật với con mắt phàm tục của chúng ta nhận định đẹp hay xấu, vui hay buồn, đúng hay sai, có hay không có, nó cũng thay đổi tùy thuộc vào tâm thiền định của người tu thiền. Trạng thái này có thể tạm được diễn tả qua câu thơ sau:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ

"Tâm" và "cảnh" được nhà vua Trần Nhân Tông, đệ nhất tổ của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam cô đọng trong bài thơ sau:

Nước đẩy nước trôi, đời vạn sự
Tâm nghe lòng nhủ, tháng năm trôi

(Ðăng Bảo Ðài Sơn)

Vậy thì “Kiếm” có liên quan gì đến “Thiền”? Kiếm gợi cho chúng ta hình ảnh về chiến tranh, giao đấu giữa những chiến sĩ thời xưa, ngoài ra nó còn là khí cụ dùng để phòng thân hay sát nhân. Thực ra nó hoàn toàn không hẳn như thế.

Nhìn từ tư tưởng Ðông Phương Thiền học, kiếm thuật còn là một phương pháp tu tâm dưỡng tánh. Kiếm biểu tượng trạng thái động, năng động đối lập với trạng thái tĩnh yên lặng. Ðối với người võ sĩ thanh kiếm biểu tượng cho dũng khí và sức mạnh tinh thần, linh hồn. Về mặt kiếm pháp người võ sĩ phải học phương thức phát huy hiệu năng tối đa cách sử dụng thanh kiếm trong khi giao đấu. Vì thế dụng kiếm có hai tác dụng: Tu thân và phòng thân.

Hơn nữa người võ sĩ muốn đạt đến tuyệt đỉnh của kiếm pháp phải ngày đêm luyện tập cách sử dụng đường kiếm sao cho thật điêu luyện, song song với đó cần phải tu tâm để đạt được trạng thái tự tại, gìn giữ một số quy luật võ sĩ đạo. Tâm định là yếu tố quan trọng nó giúp người võ sĩ quán tường sự vật đúng đán và chính xác. Nhân tố này sẽ giúp người võ sĩ hành động có hiệu quả và hữu ích.

Ngày xưa ở Nhật Bản có truyền thống người đi học kiếm đạo là những võ sĩ đi tìm chân lý, ý nghĩa nhân sinh. Nơi đào tạo những võ sĩ gọi là “Ðạo Trường”, đôi khi ngay chính thiền viện ở trên núi cũng là nơi để luyện tập kiếm pháp, tinh thần, tu dưỡng tâm trí. Tiếc rằng tỷ lệ người thấu hiểu triết lý của kiếm đạo, sống đúng theo nó không có là bao.

Tư tưởng "Kiếm Thiền Nhất Như” (Kenzen ichijo) đề ra bởi võ sư Sơn Cương Thiết Châu (Yamaoka Tesshu), vào năm Minh Trị thứ 13. Sơn Cương sinh trưởng trong một gia đình thuộc giai cấp võ sĩ (Samurai) vào thời Mạc Phủ (Bakufu), trưởng thành ngay vào thời điểm công cuộc vận động canh tân hiện đại hóa Nhật Bản đang vào đoạn đường cuối cùng, giai đoạn đấu tranh kịch liệt giữa thành phần sĩ phu bảo thủ và cấp tiến, một phe chủ trương duy trì chế độ Mạc Phủ bế quan tỏa cảng, còn một phe kia chủ trương mở cửa giao thương với Tây Âu trong tinh thần “Hòa Hồn Dương Tài” (Wakon Yosai).

Cuối cùng sau trận thư hùng phe chủ trương canh tân đã thắng và thời đại Minh Trị Duy Tân ra đời cũng là lúc chấm dứt giai cấp võ sĩ. Vào giai đoạn đó Sơn Cương là lãnh tụ Nhượng Di Ðảng (phe bảo thủ), tức ông ta thuộc vào phe thua. Hơn nữa nhân tố biến đổi chính trị đất nước, chịu nền giáo dục nho gia với tư tưởng “trung, hiếu, chí thành” có thể nói ảnh hưởng không nhỏ đến sự tư duy của Sơn Cương. Ông ta đã đạt đạo với trợ duyên của vị Thiền Sư ở Thiên Long Tự (Tenryuji), sau thời gian gian dài tọa thiền, tu luyện, dằn vặt, ưu tư về kiếm pháp, cũng như địch thủ cùng với công án “Làm sao để tránh hai đầu thanh kiếm không chạm nhau”.

Sau thời gian tu tập, tư duy Sơn Cương Thiết Châu đưa đến kết luận: ”Công phu khổ luyện để đạt đến tuyệt đỉnh của kiếm pháp là Vô Ðịch". Danh từ ghép Vô Ðịch ở đây bao hàm ý nghĩa thiền học rất đặc biệt. Nó không được hiểu theo nghĩa bình thường con người thường hiểu. “Vô Ðịch” trong việc tu luyện kiếm đạo nhắc nhở người võ sĩ cho dù trong khi giao đấu thập tử nhất sinh mà vẫn không xem đối thủ là kẻ thù”. Cũng theo Sơn Cương Thiết Châu: ”Trong kiếm pháp bao gồm triết lý về căn nguyên vũ trụ. Mục tiêu cao nhất của người võ sĩ là luyện cho tâm được thanh tịnh, không tranh thắng bại”.

Ðây cũng là mục đích thiền kiếm, dùng hùng tâm để hóa giải, thắng tà ý của đối phương, chứ không phải thanh kiếm. Khi tâm người võ sĩ trở nên trong sáng như mặt nước hồ thu, như bầu trời không gợn chút mây đen, lòng dũng cảm sẽ phát sinh. Từ đó sẽ tỏa ra sức mạnh tinh thần vô địch. Ðó cũng chính là nhân tố để quyết định cuộc đấu. Ðể đạt được cảnh giới “Vô Ðịch” như đã trình bày ở trên, người võ sĩ phải tự mình khắc kỷ, khắc khổ tu tập ngày đêm, vượt qua ý niệm thắng thua, sinh tử. Nếu trong lòng còn mang tư tưởng thắng bại trong khi tu luyện thì không thể nào đạt đến tuyệt đỉnh của kiếm pháp. Ðiều này cho thấy chỉ có bản thân người võ sĩ thể nghiệm được qua tập luyện. Tương tự nước nóng hay lạnh, chỉ người uống nước mới cảm nhận, hay như người leo núi, chỉ có người leo đến đỉnh núi mới thấy được cảnh hùng vĩ của thiên nhiên.

Tinh thần vô địch mà Sơn Cương triển khai, có thể tìm thấy trong Ðạo Ðức Kinh của Lão Tử:

Tri nhân giả trí (Biết người là Trí)
Tự tri giả minh (Biết mình là sáng)
Thắng nhân giả hữu lực (Thắng người là do sức mạnh)
Tự thắng giả cường (Thắng chính mình mới là mạnh)

Người võ sĩ đạt đạo luôn luôn bình thản tự nhiên trong mọi hoàn cảnh, cho dù ở giữa bãi chiến trường, một phần họ đã thấm nhuần triết lý sống xem cái chết nhẹ tựa hồng mao, coi đại nghĩa nặng tựa núi thái sơn. Người võ sĩ trang bị với tinh thần thiền nhìn tất cả những hiện tượng xảy ra trước mặt có đó mà không có đó. Ðể đạt đến trạng thái vô tâm, vô niệm, người võ sĩ cần phải hiểu rốt ráo tinh thần “Bản lai vô nhất vật” trong bài kệ của tổ Huệ Năng:

Bồ đề bản vô thụ
Minh kính diệc phi đài
Bản lai vô nhất vật
Hà xử nhạ trần ai

Dịch

Bồ đề vốn không cây
Gương sáng vốn không đài
Nguyên lai không có thực
Chỗ đâu bụi đời bám

Theo Sơn Cương công việc tu học kiếm pháp được xem như phương tiện để đạt đến chân lý, làm sao cho tâm trở nên sáng, thấu triệt sự uyên nguyên của tạo hóa, cuối cùng phát hiện “Phật Tính” vì "bản lai vô nhất vật”.

Trong cuộc sống hằng ngày đầy phiền não, ưu tư, lo lắng, con người phải vật lộn với đời sống, thiên nhiên, trực diện với hoàn cảnh thay đổi nhanh chớp nhoáng như trên màn ảnh máy điện toán, máy truyền hình. Ðôi khi bối rối không biết phán xét, nhận định thực hư ra sao, thiền định giúp chúng ta quân bằng, tĩnh tâm và đơn giản ngay trong nếp sống. Tức là đạt được cái tĩnh trong cái động.

Cũng có người bảo thiền là “buông xả”, là “phá chấp”. Ðó cũng chỉ nói lên một khía cạnh của thiền. Thiền là sự sống, dòng sinh mệnh liên tục chảy vô tận không ngừng nghỉ, đôi khi chúng ta không nhận thấy hay lãng quên mà thôi. Trong mỗi khoảng khắc, mỗi niệm, hay sát na là những hạt nhân vun trồng vườn hoa tâm linh để ngày ngày tăng trưởng hài hòa trong dòng sống chúng ta.

Tư tưởng thiền là sự biết trong cái không biết, niệm trong sự vô niệm, hữu tâm trong sự vô tâm, ý thức trong vô ý thức và phân biệt trong vô phân biệt. Nói lên tính chất lưỡng diện vừa khẳng định và phủ định bao hàm trong tư tưởng Thiền.

Tư tưởng này được Quốc sư Vạn Hạnh vào đời Lý diễn tả trong bài thơ sau:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân sinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

DỊCH:

Thân như tia chớp có lại không
Cỏ cây xuân sanh thu lại khô
Cuộc đời lên xuống vội lo chi
Lên xuống như hạt sương rơi đầu cỏ.

Tư tưởng thiền vượt không gian và thời gian, minh chứng sự vô thường của ngũ uẩn cấu tạo thể xác. Nhưng dòng sinh mệnh là “vô thủy vô chung” không có sự khởi đầu cũng như không sự tận cùng. Dòng sống hòa cùng vũ trụ “ngã tức vũ trụ” như cỏ cây sinh trồi nẫy nở trong mùa xuân,trưởng thành vào mùa hạ, héo tàn theo mùa thu, ấp ủ vào mùa đông. Cũng như "xuất sinh nhập tử” trong sự sống hàm chứa sự chết, trong cái chết đang đẻ ra đời sống mới, tuần hoàn theo luật thịnh suy của tạo hóa, giống như giọt sương ban mai trên đầu ngọn cỏ, có đó rồi tan vào không gian.

Thiền và Kiếm bề ngoài có cảm giác nó tương khắc, mâu thuẫn với nhau. Nhưng thực ra nó giống như hai mặt của bàn tay, bổ túc cho nhau, tương sinh lẫn nhau. Vì trong động có tĩnh và trong tĩnh có động, thể hiện trong tư tưởng “sắc tức thị không, không tức thị sắc” trong cái gọi là “không” có sự hiện hữu trong đó, và trong cái gọi là “có” hàm chứa tính “không”. Cũng có thể nói võ sĩ và thiền sư tuy hai mà là một, phương tiện mang theo trong cuộc hành trình tuy khác nhau có cùng chung mục đích là đạt đến chân lý và giúp đời. Hơn nữa đối thủ thực sự nó nằm ngay trong chúng ta, dùng phương cách nào để chuyển hoán nó vượt thắng nó người đó sẽ để trở thành vô địch.

Thời đại Sơn Cương không còn nữa, nhưng con người trăm năm qua và con người ngày hôm nay dù ở bất cứ nơi đâu dưới khung trời nào vẫn là con người muôn thủa với tất cả căn tính tốt lẫn xấu trong đó. Vì thế tư tưởng “Vô Ðịch” của Sơn Cương có lẽ vẫn còn sống, và hy vọng còn áp dụng cho hoàn cảnh hiện nay ở đất nước Việt Nam còn quá nhiều hận thù, nghèo khổ, chậm tiến và cho cả thế giới nói chung.

Share this post

About Naveed Iqbal

Nulla sagittis convallis arcu. Sed sed nunc. Curabitur consequat. Quisque metus enim venenatis fermentum mollis. Duis vulputate elit in elit. Follow him on Google+.

0 nhận xét:

About-Privacy Policy-Contact us
Copyright © 2013 Võ thuật Cổ Truyền - Võ Cổ Truyền Việt Nam - tin tức liên đoàn Võ thuật cổ truyền. Distributed By Võ thuật cổ truyền Việt Nam | https://banhngot.vn by https://banhngot.vn/ cung cấp Giỏ quà tết Bình Dương
Proudly Powered by Võ Cổ truyền Việt Nam Phát triển xây dựng nội sung Bánh ngọtViệt Nam Bánh kem Hương vị Việt #banhngotvn Xem nhiều mẫu bánh sinh nhật võ thuật
back to top