Sẵn vốn liếng võ cổ truyền Việt Nam cộng với tinh hoa võ thuật của các tông phái Trung Quốc và Nhật Bản… cùng kinh nghiệm dạy võ trong quân đội, lão võ sư Trần Tiến đã tinh lọc và đúc kết thành võ phái Thiếu Lâm nội gia võ thuật đạo Việt Nam và phổ biến tại Trung tâm TDTT quốc phòng 2, Nhà bảo tàng không quân phía Nam… Học trò của ông có cả người Mỹ, Pháp, Ý, Nga, Brazil…
Năm 1943, Trần Tiến dạy thể dục tại đồn điền cao su Đất Đỏ (Plantation Terre Rouge de l’Indochine) ở Kompong Cham (Campuchia). Công nhân nơi đây phần lớn là người Việt từ miền Bắc sang. Trong thời gian làm việc, Trần Tiến đươc tên chủ đồn điền người Pháp “quý mến” vì đã giúp công nhân có sức khỏe để “làm việc suốt ngày đêm”. Thật lòng, lúc đó Trần Tiến chưa biết gì về sự bóc lột của bọn chủ nhân tư bản cũng như không hiểu mình đang bị lợi dụng. Mãi đến cuối năm 1945, trong một lần nghỉ phép, Trần Tiến trở ra Hà Nội, đau lòng trước cảnh nhân dân chết đói quá thê thảm và được Việt Minh kêu gọi, Trần Tiến đã tham gia bộ đội vào đầu năm 1946. Mây năm đầu, Trần Tiến huấn luyện võ thuật cho “Bộ đội đặc biệt tinh nhuệ” (năm 1967 cải danh là đặc công). Những năm sau, tuy đảm nhận nhiệm vụ khác nhưng Trần Tiến vẫn thường xuyên luyện võ và dạy võ cho mọi người khi có điều kiện. Sau 32 năm phục vụ trong quân ngũ, Trần Tiến nghỉ hưu vào năm 1978. Thế nhưng đến cuối năm 1981, Trần Tiến còn tự nguyện sang huấn luyện võ thuật định kỳ cho một số sĩ quan quân đội nhân dân cách mạng Campuchia và mãi đến 20.09.1989 mới về nghỉ hẳn tại Tp. HCM.
Luyện khí công hàng ngày, sống thanh thản với tình thương yêu con người rõ rệt như vậy, ở tuổi xấp xỉ 100 (năm 2010), ông vẫn còn sáng suốt, khỏe mạnh và …đứng lớp môn khí công mở tại Nhà bảo tàng không quân phía Nam. Đập tay vào ngực thật mạnh, ông nói: “Đánh mạnh vậy nhưng tôi không đau. Tôi chết vì các cơ quan bị lão hóa thì có, chứ tôi không chết vì bệnh tật gì đâu”.
Ông đã chuẩn bị trước cho thời khắc phải chia tay võ thuật, chia tay các môn đệ, bạn bè mà bước vào thế giới khác êm ả, bình yên hơn. “Hơn 80 năm sống với võ nghệ, trong đó có 32 năm phục vụ trong quân ngũ, nghỉ hưu với quân hàm đại tá, nhưng khi nhắm mắt, tôi không để nhà nước phải lo”. Vị đại tá về hưu đã đưa vào bản di chúc: thân của ông sẽ thành tro bụi để trở về với cát bụi, cô học trò trung tín nhất sẽ đọc điếu văn, tiền phúng điếu sẽ dành để giúp trẻ mồ côi, người nghèo khổ…
Ngày 16-02-2011, do tuổi cao, sức yếu, ông bị ngã tại nhà riêng và dẫn đến chấn thương sọ não. Tuy được các bác sĩ ở bệnh viện Chợ Rẫy tận tình cứu chữa, nhưng ông đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 13 giờ 7 phút ngày 21-02-2011 (tức ngày 19, tháng Giêng, năm Tân Mão), hưởng thọ 101 tuổi.
0 nhận xét: