Ngọc trản ngân đài -võ thuật cổ truyền Việt Nam

Posted at  tháng 11 12, 2019  |  in  Kiến-thức-võ-thuật


Ngọc trản ngân đài (chén ngọc trên đài bạc) hay Ngọc trản quyền, là bài quyền được Hội nghị chuyên môn toàn quốc lần thứ 3 do Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam phối hợp với Đại học Thể dục Thể thao tổ chức tại Đầm Sen, Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 15 đến 26 tháng 4 năm 1995, bình chọn, thống nhất đưa vào chương trình quy định chung của tất cả các võ phái cổ truyền trên toàn quốc. Hội nghị lần này, ngoài bài quyền nói trên, cũng chọn thêm được 2 bài khác là Bát quái côn và Huỳnh long độc kiếm, nâng tổng số các bài được chọn qua ba hội nghị lên 9 bài (4 bài tại hội nghị lần 1 tổ chức năm 1993 là Hùng kê quyền, Lão hổ thượng sơn, Tứ linh đao, Roi Thái Sơn; 2 bài tại hội nghị lần 2 năm 1994 là Lão mai quyền, Siêu xung thiên).

Lịch sử.

Đây là một bài quyền với những kỹ thuật tiêu biểu cho võ thuật cổ truyền dân tộc và là bài chính thống, đặc trưng của đất võ Bình Định. Không ai biết bài quyền Ngọc Trản có từ bao giờ và xuất xứ ở đâu, nhưng theo lưu truyền trong dân gian, bài quyền này nguyên khởi từ võ phái An Vinh của võ sư Hương Mục Ngạc. Trong quá trình tìm tư liệu để nghiên cứu về nguồn gốc và đặc trưng võ cổ truyền Bình Định, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bài thiệu quyền Ngọc trản trong gia phả họ Trương ở Phù Mỹ.

Lời thiệu.

Mặc dù vẫn có câu điệp vần, 28 câu lời thiệu của bài vẫn cho thấy đây không hoàn toàn là một bài thơ:


Ngọc trản ngân đài

Tả, hữu tấn/tiến khai thập tự

Liên diệp liên hoa

Đả sát túc, tọa, hồi mai phục

Tấn/tiến đả tam chiến

Thoái/thối thủ nhị linh

Hoành tả, tọa, bạch xà lan lộ


Hữu hoành sát thanh long biên giang


Phụ tử tương tùy

Hoành hữu, tọa, bạch xà lan lộ

Tả hoành sát thanh long biên giang

Phụ tử tương tùy

Hồi tàng địa hổ



Song phi, triển dực



Hạ bàn đoản đả



Hồi tiễn tọa khai cung



Huỳnh long quyển địa



Tấn đả song quyền



Hoành tả, phục hạc khai linh



Trực tiền quyển địa



Tấn/tiến đả song quyền



Hoành hữu, phục hạc khai linh



Trực tiền quyển địa



Tấn, đả song quyền



Hướng, hậu đả thập tự



Diện tý



Hồi, tẩu mã giang tiên



Bái tổ, lập như tiền







Dịch nghĩa:







Chén ngọc đài bạc



Tiến, mở thế thập tự bên trái và bên phải



Liền lá liền hoa



Đánh sít chân, tọa thế “hồi mai phục”
Tiến, đánh ba bận
Lui, hai tay sắc sảo

Xoay trái, tọa thế “Bạch xà lan hộ” (con rắn trắng qua đường cỏ)
Chém ngang bên phải bằng thế “thanh long biên giang” (con rồng xanh trên bờ sông)

Thế cha con nương tựa nhau
Hoành bên phải, tọa thế “Bạch xà lan hộ” (con rắn trắng qua đường cỏ)
Hoành bên trái quét thế “thanh long biên giang” (con rồng xanh trên sông bên)
Thế cha con nương tựa nhau

Trở về thế rắn hổ đất núp
Đá song phi (hai chân bay) rồi thế chim cuốn cánh
Đánh vắt mâm dưới
Về, tọa, xổm mở cánh cung
Thế rồng vàng cuốn đất
Tiến đánh hai đấm
Xoay trái, thế “phục hạc khai linh” (chim hạc phơi cánh).
Thế cuốn đất, đánh thẳng phía trước
Tiến đánh hai đấm
Xoay phải, thế “phục hạc khai linh” (chim hạc phơi cánh)
Thế cuốn đất, đánh thẳng phía trước
Tiến đánh hai đấm
Chuyển phía sau đánh thế chữ thập
Mặt nhìn hướng tý (hướng Bắc)
Trở về thế “tẩu mã giang tiên” (ông tiên ruổi ngựa trên sông)
Bái tổ, đứng như trước.
Ngoài lời thiệu kể trên, tại nhiều võ phái như Tân Khánh Bà Trà, Huỳnh Long phái, Vovinam v.v. còn nhiều dị bản khác của lời thiệu, trong đó dị bản sau cũng rất phổ biến:
Ngọc trản ngân đài, tả hữu tấn/tiến khai
Thập tự liên ba, đả sát túc
Tả hồi mai phục, tấn/tiến đả song quyền
Hồi phạt địa hồ, hữu ban loan đả
Tấn đả tam chiêu, thối/thoái thủ nhi binh
Hoành hữu tọa, phụ tử tương phùng
Lạc mẫu phùng phi, tương tự cấp thích
Thanh long tiến giang, bạch xà hoành sát
Lục hoạt khai binh, song phi chuyển địa

Hồi mã loan thanh, tấn lập như tiên
Dịch nghĩa:
Chén ngọc trên đài bạc, tiến mở bên trái và phải
Những đợt sóng liên tiếp chữ thập, đánh triệt phần chân
Quay về phía trái mai phục, tiến đánh bằng song quyền
Về trị chồn đất, chuyển phải đánh liên tiếp
Tiến đánh ba mặt, hay lui về thủ cũng là cách dùng binh
Xoay về phải ngồi, cha con gặp lại
Lạc mẹ rồi lại tương phùng, đánh nhanh như trước
Như rồng xanh vượt sông, rắn trắng đánh ngang
Sáu lần mở đường ra quân, đổi hướng đá song phi
Trở về nhạc ngựa reo vang, về vị trí cũ.






Đặc điểm.

Ngọc trản ngân đài khai thác các tư thế nghịch tréo của bộ pháp kết hợp với sự dịch chuyển trọng tâm liên tục. Để thực hiện thăng bằng được tốt, các tư thế di chuyển trong bài quyền được biến hoá thật linh hoạt, khi thì mặt chân bối (chân trụ) được tạo trước rồi trọng tâm mới di chuyển, lúc thì di chuyển trọng tâm trước rồi mới tạo mặt chân bối sau, nên thấy vững mà không, không mà vững, lảo đảo ngả nghiêng như người say rượu. Hơn nữa chính thân pháp ngả nghiêng đã tạo đà tốt cho thủ pháp, hai tay hoạt động đồng bộ, hòa quyện với nhau một cách nhuần nhuyễn làm tăng thêm uy lực cho động tác tấn công và thêm kín đáo cho việc phòng thủ.
Đặc trưng bài quyền thể hiện uy lực của bài: tấn công công phu, toàn diện, chắc đòn, kết hợp nhu cương đúng lúc, đúng chỗ. Phòng thủ kín đáo với những thế né tránh, phản đòn lợi hại. Thân pháp nhẹ nhàng, linh hoạt khi di chuyển, và ra đòn vững chắc, mạnh mẽ khi đứng trụ. Bộ tay dữ dội, nhanh, chính xác, có lúc vờ như thủ để đánh lừa đối phương, hay dụ đối phương với thế vây hãm để tiêu diệt theo dạng “hư hư thực thực”.



Ý nghĩa.



Chén ngọc trên đài bạc, vậy ẩn ý của người xưa khi đặt tên bài quyền và lời thiệu của bài quyền này thế nào, hiện có những giải thích khác nhau. Võ sư Nguyễn Anh Dũng cho rằng: Võ công và chén rượu, hình như có sự gắn bó ngàn đời. Trước khi lên đường ra chiến trận, được vua ban ngự tửu chúc kỳ khai đắc thắng, lúc ca khúc khải hoàn cũng được vua đón tận cổng thành, tự tay rót rượu mừng mã đáo công thành. Hoặc việc chinh chiến, không về cũng thường tình như uống chén rượu vậy thôi.







Tuy nhiên, võ sư Hồ Bửu, giám đốc Võ đường Tây Sơn-Bình Định tại Mỹ, một trong những học trò của hai võ sư Diệp Bảo Sanh (chưởng môn nhân đời thứ hai của Bình Thái Đạo) và Hồ Nhu (tức Hồ Ngạnh), lại tìm ý nghĩa của bài quyền Ngọc Trản từ những liên tưởng khác.







Võ sư Hồ Bửu cho rằng: Bài Ngọc Trản, có câu mở đầu Ngọc Trản ngân đài, tả hữu tấn khai. Ngọc trản (chén ngọc, chén nhỏ uống rượu hay trà), ngân đài (đĩa bạc có chân dùng để đặt trái cây cúng). Nhà của người Việt, hầu hết đều có một bàn thờ tổ tiên ông bà. Trên bàn thờ ấy, phía trước là cặp chân đèn cầy, chính giữa là một cái lư hương. Kế đến phía trong, và trước bài vị là lục bình cắm hoa, một đĩa bằng bạc có chân, người Bình Định gọi là cổ bồng, đặt trái cây, và bộ tách trà hay một nậm rượu với những chén ngọc nhỏ nhắn xinh xinh. Gia đình giàu có thì chén ngọc đũa ngà, cổ bồng bằng bạc; còn nhà nghèo khó cũng cố gắng lựa một bộ chén và cái đĩa đựng trái cây đẹp nhất, mà với họ quý như ngọc như ngà, để cúng kiến ông bà. Chén ngọc và đĩa bạc là hai vật thể làm sao có thể khai mở tiến ra bên trái bên phải? Thực ra câu thiệu này ngụ ý nói tổ tiên đã bỏ công sức, mồ hôi nước mắt và cả xương máu để xây đắp ngôi nhà và đất nước Việt Nam… Vậy điều đầu tiên của người học võ là phải biết tri ân các bậc tiền nhân và phải noi gương dấn thân bảo vệ non sông để Tổ quốc này mãi mãi trường tồn.



Các võ sư, huấn luyện viên võ cổ truyền Việt Nam thường có hai cách phân thế:



1. Phân thế nội là phân tích từng đòn một, theo thứ tự trước sau được sắp xếp trong bài quyền. Cách phân thế này được áp dụng trong chương trình dài hạn, có đẳng cấp học từ thấp lên cao và đào tạo các huấn luyện viên có đầy đủ kiến thức võ học. Cách phân thế này đặt nặng việc phân tích kỹ thuật chính xác và nắm rõ tác dụng, mục đích của từng động tác. Tác dụng, mục đích của động tác (gọi là “đòn”) bao gồm những trường hợp như sau:



- Gạt, đỡ, phá đòn tay, chân hoặc binh khí của đối phương.



- Tấn công vào một bộ phận trên cơ thể hoặc trên binh khí của đối phương.



- Rèn luyện bộ pháp (di chuyển tiến, lùi, sang ngang, xoay chuyển khớp gối, khớp cổ chân hợp lý nhằm đạt được sự nhanh nhạy và sức bật của đôi chân).



- Rèn luyện thân pháp (hụp, lặn, tránh né để tập độ dẻo dai của hông, eo và các khớp xương của cột sống).



- Rèn luyện thể lực (sức chịu đựng bền bỉ lâu dài của cơ bắp, dây chằng và tim mạch ổn định trong tập luyện và chiến đấu).



2. Phân thế ngoại là rút ra một số thế võ từ trong bài quyền và phân tích cách đánh của thế võ đó, kể cả có thể tăng thêm một số đòn biến hóa để mở rộng tình huống chiến đấu. Cách phân thế này được áp dụng trong chương trình dạy ngắn ngày, nặng tính thực dụng và đào tạo võ sĩ chóng biết thi đấu, chiến đấu.



Trong quá trình huấn luyện, những huấn luyện viên dày dạn kinh nghiệm, có nhiều năm trong nghề có thể sáng tác các bài quyền để giảng dạy học trò nhằm bổ sung chương trình của võ đường mình, nhưng đối với các bài quyền đã có nền tảng, gốc gác được lưu truyền từ lâu đời, kể cả các bài quy định của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, thì cần giữ nguyên bổn.



Việc “tự chế” gây sai lệch động tác, thêm bớt động tác làm cho các bài quyền cổ bị thất bổn (tức là mất gốc, mất luôn cả những kỹ thuật đặc trưng của môn võ cổ truyền) là một vấn đề gây bất bình, đáng tiếc không nên có.



Sau khi tổ chức thành công Đại hội Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam lần thứ IV vào cuối năm 2013, một trong những việc mà Ban Thường vụ Liên đoàn nhiệm kỳ mới “bắt tay vào việc” trước hết là chỉ đạo cho Ban Chuyên môn kỹ thuật chuẩn hoá các bài võ quy định với sự giám sát, hỗ trợ kiến thức của các võ sư đã cống hiến các bài quy định. Việc làm này được đông đảo những người quan tâm đến việc bảo tồn các bài võ cổ rất hoan nghênh.



Tuy nhiên, đây cũng chỉ mới là sự sửa chữa “phần ngọn” (tức là uốn nắn động tác lệch lạc trở về nguyên bổn). Ban Chuyên môn kỹ thuật sẽ phải tiếp tục làm công việc “phần gốc” là phân thế các bài quyền, vì chỉ có cách “phân thế nội” bài quyền (được xem như một quy tắc bắt buộc) mới có thể bảo tồn một cách hữu hiệu nguyên bổn của các bài quyền đã được lưu truyền qua nhiều đời cho đến mãi ngày nay

Share this post

About Naveed Iqbal

Nulla sagittis convallis arcu. Sed sed nunc. Curabitur consequat. Quisque metus enim venenatis fermentum mollis. Duis vulputate elit in elit. Follow him on Google+.

0 nhận xét:

About-Privacy Policy-Contact us
Copyright © 2013 Võ thuật Cổ Truyền - Võ Cổ Truyền Việt Nam - tin tức liên đoàn Võ thuật cổ truyền. Distributed By Võ thuật cổ truyền Việt Nam | Blogger Template by Trung Đức
Proudly Powered by Võ Cổ truyền Việt Nam Phát triển xây dựng nội sung Bánh ngọtViệt Nam Bánh kem Hương vị Việt #banhngotvn Xem nhiều mẫu bánh sinh nhật võ thuật
back to top